Công ty TNHH MTV ĐTPT thuỷ lợi Sông Đáy nhận được văn bản số 9162/UBND-NNNT ngày 23/12/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và văn bản số 21/SNN-TL ngày 05/01/2016 của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội về việc thực hiện quy định của pháp luật trong quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;
Sau khi tổng hợp quá trình quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn, Công ty ĐTPT thuỷ lợi Sông Đáy xin được báo cáo như sau:
I. HỆ THỐNG CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI DO CÔNG TY QUẢN LÝ, KHAI THÁC:
Hệ thống công trình thuỷ lợi do Công ty TNHH MTV ĐTPT thuỷ lợi Sông Đáy quản lý, khai thác để phục vụ tưới, tiêu nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh kinh tế của 6 quận, huyện chính là Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và một phần diện tích của các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Thường Tín, Phú Xuyên đều thuộc thành phố Hà Nội. Tổng diện tích lưu vực khoảng 70.000ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp khoảng 30.000ha. Vùng hệ thống phục vụ có vị trí địa lý: Phía Bắc giáp sông Hồng, phía Nam giáp tỉnh Hà Nam, phía Đông giáp Công ty TNHH MTV ĐTPT thuỷ lợi Sông Nhuệ, phía Tây giáp tỉnh Hoà Bình.
Hệ thống công trình thuỷ lợi do Công ty quản lý gồm có:
a) Trạm bơm: Tổng số có 164 trạm bơm tưới, tiêu với 718 máy bơm các loại có lưu lượng từ 1.000 m
3/h/máy đến 10.800 m
3/h/máy.
Trong đó: - Trạm bơm tưới: 74 trạm bơm = 228 máy bơm;
- Trạm bơm tiêu: 55 trạm bơm = 286 máy bơm;
- TB tưới, tiêu kết hợp: 35 trạm bơm = 204 máy bơm;
b) Tuyến kênh tưới, tiêu: Tổng số có 524 tuyến kênh với tổng chiều dài 901km; đã kiên cố hóa 189km (chiếm 21%). Trong đó:
- Kênh tưới: 238 tuyến với chiều dài 350 km.
- Kênh tiêu: 219 tuyến với chiều dài 412 km.
- Kênh tưới tiêu kết hợp: 67 tuyến với chiều dài 138 km.
c) Các cống, điều tiết và công trình trên kênh: Tổng số có 6.180 cống.
d) Hồ chứa: Có 4 hồ chứa nước: Miễu, Văn Sơn, Đồng Sương (huyện Chương Mỹ), Quan Sơn (huyện Mỹ Đức),
- Tổng dung tích 31,9 triệu m
3 (
Miễu: 2,5 triệu m3; Văn Sơn: 7,0 triệu m3, Đồng Sương: 10,5 triệu m3; Quan Sơn: 11,9 triệu m3).
II. THỰC HIỆN QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TRONG QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI:
1. Công tác tổ chức quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi:
- Công ty đã và đang phân công cán bộ công nhân viên trong Công ty thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác từng công trình thuỷ lợi, đảm bảo yêu cầu tất cả công trình đều phân công CBCNV theo dõi, quản lý.
- Các công trình (
trạm bơm, cống, kênh, hồ chứa . . .) khi vận hành hoặc không vận hành đều có sổ sách ghi chép đầy đủ, rõ ràng và báo cáo về các phòng, ban chuyên môn tổng hợp, theo dõi, kiểm soát;
- Khi có sự cố công trình đều được triển khai các thủ tục khẩn trương, hiệu quả, đúng quy trình, đảm bảo đáp ứng kịp thời yêu cầu phục vụ sản xuất.
- Công ty đã thành lập Tổ kiểm tra công tác quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi do một đồng chí Phó Tổng Giám đốc Công ty làm tổ trưởng, các thành viên trong Tổ là các đồng chí Lãnh đạo, cán bộ các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Công ty;
- Các Xí nghiệp ĐTPT thủy lợi trực thuộc cũng thành lập Tổ kiểm tra do một đồng chí Phó Giám đốc Xí nghiệp làm tổ trưởng, các thành viên trong Tổ là các đồng chí Lãnh đạo, cán bộ các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Xí nghiệp;
2. Công tác kiểm tra, giám sát và sửa chữa các công trình thủy lợi:
- Lãnh đạo các đơn vị trực tiếp kiểm tra, giám sát CBCNV trong đơn vị về việc quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi theo nhiệm vụ được phân công;
- Thực hiện việc lập kế hoạch đảm bảo đánh giá đúng hiện trạng công trình. Triển khai công tác khảo sát, lập thiết kế và thi công đảm bảo đúng trình tự XDCB. Tổ chức nghiệm thu, bàn giao công trình đưa vào sử dụng được thực hiện theo đúng trình tự hiện hành.
3. Tình hình vi phạm pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi:
- Tổng hợp số vụ vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn toàn Công ty đến nay là 4.361 vụ. Trong đó: Số vụ đã giải tỏa được: 1.013 vụ; Số vụ chưa giải tỏa được: 3.348 vụ (
trong năm 2015 phát sinh 52 vụ). Những vụ vi phạm công trình thuỷ lợi gồm: Xây dựng nhà kiên cố cấp 3, 4, xưởng, lều lán; làm lò gạch, trồng cây, thả rau, bèo; phụt rơm, rạ; đổ chất thải rắn. . . gây ách tắc dòng chảy;
- Công ty xin gửi kèm theo các phụ lục sau:
+ Phụ lục 1: Thống kê các vụ vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi (tính đến 31/12/2015).
+ Phụ lục 1: Thống kê các điểm xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi (tính đến 31/12/2015).
4. Công tác hướng dẫn, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về công trình thủy lợi trên địa bàn:
4.1 Công tác hướng dẫn, kiểm tra và báo cáo:
Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở Nông nghiệp và PTNT, Công ty triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Định kỳ hàng tháng, Tổ kiểm tra của Công ty và Tổ kiểm tra của các Xí nghiệp ĐTPT thủy lợi trực thuộc đều đến từng công trình để kiểm tra việc thực hiện công tác duy trì, quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn. Từ kết quả kiểm tra các đơn vị trong Công ty tiến hành đánh giá hiệu quả việc thực hiện của từng cá nhân, tập thể, đối với những cá nhân không hoàn thành sẽ bị xem xét, đánh giá xếp loại A (hoặc B, C …) làm cơ sở thanh toán tiền lương và thu nhập hàng tháng;
- Trước ngày mồng 9 hàng tháng; Công ty tổng hợp tình hình vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn của tháng trước, lập thành báo cáo gửi Sở NN&PTNT, Chi Cục thủy lợi Hà Nội và các đơn vị có liên quan;
- Các tổ công tác của Công ty, Xí nghiệp phối hợp với cán bộ của Ban Quản lý Dịch vụ thủy lợi tiến hành kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác quản lý, khai thác CTTL của Công ty và kết quả kiểm tra được lập thành biên bản làm cơ sở nghiệm thu từng vụ và cả năm.
4.2 Công tác xử lý vi phạm pháp luật về công trình thủy lợi trên địa bàn:
- Khi phát hiện có vi phạm công trình thuỷ lợi, Cụm trưởng các cụm thủy nông trực tiếp phối hợp với thủy nông các HTX, an ninh các xã lập biên bản vi phạm và báo cáo cấp trên theo quy định đồng thời vận động các hộ dân dừng vi phạm, không vi phạm và tránh tái vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn.
- Công ty chỉ đạo các đơn vị trong Công ty thường xuyên kiểm tra các công trình thủy lợi trên địa bàn, nếu phát hiện thấy vi phạm thì khẩn trương huy động ngay lực lượng trong đơn vị đến phối hợp với chính quyền địa phương giải tỏa; có nhiều vụ vi phạm để tránh phức tạp trong quá trình công tác lâu dài của CBCNV thì Công ty đã huy động lực lượng của Cụm thủy nông này sang phối hợp giải tỏa vi phạm CTTL trên địa bàn Cụm thủy nông khác. Thực tế cho thấy nếu phối hợp giải tỏa ngay khi phát hiện thì mức độ vi phạm sẽ giảm thiểu, thậm chí ngăn chặn kịp thời.
4.3 Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý vi phạm:
- Mặc dù tình hình vi phạm công trình thủy lợi có chiều hướng giảm nhưng việc vi phạm vẫn còn diễn ra phổ biến. Đối tượng vi phạm ngày càng manh động, hung hãn, côn đồ …
- Chính quyền cấp xã và một số huyện thực hiện chưa nghiêm, chưa quyết liệt, thỏa đáng theo Quyết định số 37/2013/QĐ-UBND ngày 18/9/2013 của UBND Thành phố về việc ban hành Quy định phạm vi bảo vệ đối với công trình thuỷ lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội;
- Hầu hết các công trình thủy lợi, đặc biệt các công trình thủy lợi lớn chưa được cắm mốc giới bảo vệ và chưa được xác lập hồ sơ pháp lý để xác định ranh giới trên bản đồ nên việc quản lý, khai thác công trình thủy lợi gặp nhiều khó khăn;
III. MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ, KIẾN NGHỊ:
1- Đề nghị các cấp Chính quyền có biện pháp xử lý tình trạng vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi, đặc biệt là việc giải phóng các vi phạm trong lòng các tuyến kênh, gây ách tắc dòng chảy; có biện pháp ngăn chặn các doanh nghiệp, làng nghề . . . xả nước thải chưa qua xử lý vào hệ thống công trình thủy lợi gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến việc cấp nước tưới cho cây trồng.
2- Đề nghị UBND cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm thực hiện đúng Quyết định số 37/2013/QĐ-UBND ngày 18/9/2013 của UBND Thành phố; Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão;
3- Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội có ý kiến với các quận, huyện để sớm phê duyệt Quy hoạch chi tiết hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn từng quận, huyện.
4- Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội quan tâm chỉ đạo để sớm hoàn thành việc cắm mốc chỉ giới hàng lang bảo vệ các công trình thủy lợi.
5- Đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các quận, huyện thành lập Ban chỉ huy xử lý vi phạm các công trình thủy lợi, trong đó có lực lượng Công an huyện tham gia.
6- Theo Quyết định số 4862/QĐ-UBND ngày 25/9/2015 của UBND Thành phố và Văn bản số 2101/SNN-TL ngày 07/10/2015 của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội về việc triển khai kế hoạch xử lý, giải tỏa vi phạm có nêu: “
Các Doanh nghiệp thủy lợi hỗ trợ máy móc, phương tiện để phối hợp xử lý, giải tỏa vi phạm”. Về việc này, Công ty xin báo cáo và đề nghị như sau:
- Công ty được Nhà nước (thành phố Hà Nội) trang bị cho phương tiện là ô tô 7 chỗ để chuyên chở người và ô tô bán tải chở người và chở các công cụ, dụng cụ có kích thước nhỏ phục vụ sản xuất. Về phần kinh phí, Thành phố đặt hàng theo từng năm, có khoản, mục rõ ràng, có khối lượng dự toán chi tiết. Do đó, việc “
Hỗ trợ máy móc, phương tiện để phối hợp xử lý, giải tỏa vi phạm”, Công ty chỉ có thể xem xét hỗ trợ các phương tiện trên, không có kinh phí được Thành phố cấp cho việc giải tỏa vi phạm.
- Đề nghị các Sở, Ngành chức năng tham mưu, kiến nghị UBND Thành phố có chỉ đạo rõ hơn về việc này để việc phối hợp giữa Công ty và các huyện, xã được thuận lợi.
Công ty TNHH MTV ĐTPT thủy lợi Sông Đáy báo cáo về việc thực hiện quy định của pháp luật trong quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi như trên. Kính mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của UBND Thành phố cùng các Sở, Ngành hữu quan để Công ty phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao./.
Nơi nhận: |
TỔNG GIÁM ĐỐC |
- Như kính gửi;
- Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội (để b/c);
- Chi cục thủy lợi Hà Nội (để b/c);
- Lãnh đạo Công ty;
- Lưu: Công ty, QLN. |
Doãn Văn Kính
|